Giọng nói của bạn là thứ đã theo bạn suốt từ lúc bạn biết nói đến nay. Vậy cớ gì còn phải học cách làm quen với nó?
Nếu bạn đã làm được điều đó, thì quả là điều rất tuyệt vời. Còn nếu bạn chưa làm được, thì tôi nghĩ bạn nên học cách khám phá và làm quen với giọng nói của chính mình, với mục đích là để hiểu nó và vận dụng nó tốt hơn, nhất là cho việc trình bày, thuyết trình, diễn thuyết hoặc trong giao tiếp thông thường.
John Connell – chuyên gia về giọng nói nổi danh ở Mỹ, thường được các nhà quảng cáo, các đài truyền hình và phát thanh mời thuyết minh, lồng tiếng – đã có lần nói đại loại thế này: “Khi giọng nói cất lên, mọi thứ trong lòng người nói đều bộc lộ rõ ra hết bên ngoài. Giọng nói thực sự là thứ manh mối đầu tiên để người nghe đánh giá mà biết bạn là ai. Ấy vậy mà nhiều người thường hiếm khi để ý đến giọng nói của mình.”
• Giọng nói tiết lộ con người bạn.
• Giọng nói chuyên chở sắc thái cảm xúc trong lòng bạn.
• Giọng nói tiết lộ những suy nghĩ thầm kín trong đầu bạn.
Bạn không muốn giọng nói phản bội mình? Hoặc Bạn muốn dùng giọng nói để truyền tải rõ hơn những ý nghĩ, cảm giác, thái độ của mình? Thì Bạn nên học cách nghe và hiểu nó để vận dụng nó tốt hơn.
Có nhiều người chuyên đi thuyết trình, trình bày, diễn thuyết nhưng lại hiếm khi để ý đến giọng nói của mình. Và thường khi lần đầu nghe lại giọng nói của mình trong băng ghi âm, nhiều người thường thốt lên: “Ủa, là mình đó sao? Giọng nói của mình nó là như thế sao?”
Tôi có một đề nghị giúp Bạn luyện được cách nghe và hiểu giọng nói của mình. Và tôi muốn Bạn dành ra ít nhất hai ngày để làm điều này.
Ngày thứ nhất:
Bạn cần chuẩn bị một máy ghi âm, hoặc cài phần mềm thu âm trong điện thoại mình. Và bắt đầu từ ngày mai, từ lúc thức dậy đến lúc đi làm về, Bạn hãy để ý ghi âm liên tục giọng nói của mình: Bạn có thể thuật lại cảm giác của mình lúc ra đường gặp cảnh kẹt xe, lúc Bạn đang đọc một cuốn sách, xem một bộ phim, coi một hình ảnh, v.v. Tóm lại, Bạn có thể thuật lại cho máy ghi âm những gì diễn ra trong đầu trong lòng mình trong cả ngày sống của Bạn.
Rồi đến đêm, Bạn dành chút thì giờ, bấm nút play, nghe lại giọng nói của chính mình trong ngày. Bạn có thực sự thích nghe cái giọng trong máy đang phát ra đó không? Bạn có cảm giác thế nào về giọng nói đó? Dày hay mỏng? Tự tin hay run rẩy? Bồn chồn hay thoải mái? Nhanh hay chậm? Hãy nghe kỹ sắc thái giọng nói trong từng tình huống khác nhau trong ngày.
Rồi hãy ghi lại nhận xét của Bạn: cần phát huy hay cần cải thiện, chỉnh sửa điều gì trong giọng nói của mình?
Ngày thứ hai:
Sang ngày kế tiếp, Bạn cũng hãy làm như thế: ghi âm lại các sinh hoạt trong ngày, nhưng lần này, thử khắc phục những gì mình đã rút kinh nghiệm hôm qua. Rồi tối đến, lại tiếp tục nghe lại giọng Bạn. Chắc chắn Bạn sẽ có nhiều khám phá thú vị hơn về giọng nói của mình.
Có thể Bạn sẽ thấy rằng mình hay cười khi cảm thấy ngạc nhiên. Có thể Bạn sẽ thấy giọng mình thường trầm hơn khi đầu óc thoải mái. Có thể Bạn phát hiện cứ nói đến một số chữ nào đó thì mình hay dừng lại. Có thể Bạn sẽ thấy lời lẽ Bạn bắt đầu tuôn ra tự nhiên và dễ dàng hơn khi Bạn thể hiện ý nghĩ mình ra cho máy ghi âm. Có thể Bạn sẽ thấy rằng Bạn thực sự thích nói và rằng giọng nói của Bạn nghe cũng không đến nỗi tệ.
Và quan trọng nhất, khi quen được với giọng nói mình như thế, càng lúc Bạn sẽ càng hiểu thêm về nó, và sẽ biết cách cải thiện nó để phục vụ tốt hơn cho mọi cuộc giao tiếp trình bày.